Khi nói đến bạo lực, người ta thường sẽ nghĩ tới các hành vi đánh đập, ngược đãi, xâm hại tới sức khỏe, tính mạng người khác. Tuy nhiên, không cần phải “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay”, giờ đây bạo lực còn xuất hiện phổ biến dưới hình thức xúc phạm, lăng mạ ở ngoài đời lẫn trên mạng xã hội.
Các cụ ta có câu “Lời nói đọi máu”. Một lời nói có thể cứu sống một người nhưng cũng có thể giết chết một người. Đôi khi một vài lời nói đùa, đôi ba câu trách mắng vu vơ mà chúng ta nghĩ là vô hại lại khiến cho người nghe tổn thương nặng nề.
Bạo lực ngôn ngữ giống như một liều thuốc độc
Tôi đã từng được nghe kể về vụ tử sát của một nam sinh ở Thượng Hải. Ở trên cây cầu Lư Phố, cậu đã nhảy xuống sông ngay trước mặt mẹ mình. Mọi chuyện bắt nguồn từ mâu thuẫn với mẹ khi bà phát hiện con mình xảy ra xung đột với bạn học. Chàng trai ấy đã kết thúc tuổi thanh xuân của mình ở con số 17, đồng thời để lại cho người mẹ một nỗi ân hận, đau đớn không nguôi.
Chúng ta vẫn thường nghe những câu nói chê bai ngoại hình kiểu như “Ăn gì mà béo thế” hay “Nhìn mặt thấy ghê”. Nhiều người tưởng rằng đó chỉ đơn giản là “đùa cho vui” chứ không có ý xấu, tuy nhiên hậu quả đằng sau những câu nói ấy lại rất nghiêm trọng. Một học sinh lớp 6 ở Phan Rang (Ninh Thuận) đã phải tự tử vì thường xuyên bị bạn bè chế giễu rằng cậu trông như một củ hành.
Đây chỉ là hai trong số vô vàn trường hợp thương tâm của nhiều thanh, thiếu niên trên thế giới đã cố gắng tìm đến cái chết vì bị bạn bè bắt nạt hoặc bị người lớn trách phạt.
Những con số đáng báo động
Trong những năm gần đây, tỉ lệ học sinh bị bắt nạt trong và ngoài trường học có chiều hướng diễn biến phức tạp. Theo thống kê của UNESCO, tỉ lệ trẻ em và vị thành niên là nạn nhân của bạo lực học đường hàng năm lên đến gần 250 triệu người trên toàn thế giới. Trong đó, khảo sát trên 5 quốc gia là Campuchia, Việt Nam, Indonesia, Pakistan và Nepal cho thấy cứ 10 học sinh thì có 7 em từng trải nghiệm bạo lực học đường. Việt Nam đứng thứ 2 trong nhóm 5 nước với 71% học sinh đã bị bạo lực hoặc chứng kiến hành vi bạo lực trong trường.
Vấn nạn bạo lực học đường đang ngày càng gia tăng
Đi kèm với đó là tỉ lệ tự tử và rối loạn tinh thần ở người trẻ ngày càng gia tăng, đặc biệt là ở khu vực thành thị. Với người trẻ, tự tử là nguyên nhân gây tử vong chỉ xếp thứ 2 sau tai nạn giao thông. Ở Việt Nam, một số nghiên cứu gần đây cho thấy tỉ lệ trẻ vị thành niên bị trầm cảm là 26,3%, có suy nghĩ về cái chết là 6,3%, lập kế hoạch tự tử là 4,6% và trẻ cố gắng tự tử là 5,8%. Theo số liệu của Cục Quản lý Khám chữa bệnh năm 2017, tỷ lệ trẻ em và vị thành niên Việt Nam có vấn đề về sức khỏe tâm thần chung là 8-29%, tùy theo địa phương, giới tính. Tuy nhiên, rất ít trường hợp được phát hiện và điều trị.
Tại sao nhiều người trẻ rơi vào trầm cảm đến mức phải hành hạ bản thân?
Khi vụ tự sát của nam sinh ở Thượng Hải lên khắp mặt báo, có người nói, do bọn trẻ ích kỉ, không hiểu chuyện, không nghĩ đến công sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ. Nhưng tôi tin rằng, các bạn ấy vốn không hề muốn quay lưng với tương lai của bản thân, càng không muốn làm người thân phiền lòng, day dứt vì cái chết của mình. Bức tử một con lạc đà không phải bằng cọng rơm cuối cùng mà là từng cọng rơm. Những bạn học sinh kia cũng vậy, các bạn ấy đã phải đối diện trước bao nhiêu áp lực, chịu đựng bao nhiêu đau khổ do người khác đem lại, bằng những lời nói “nhẹ tựa lông hồng”. Tuổi học đường là lứa tuổi đang phát triển tâm sinh lý nên rất nhạy cảm với những tác động bên ngoài, rất dễ có những suy nghĩ tiêu cực, mất kiểm soát dẫn đến những hành vi dại dột.
Các em học sinh trong độ tuổi nhạy cảm dễ bị kích động, trầm cảm
Thử nghĩ mà xem, nếu ngày ngày văng vẳng bên tai bạn đều là những tiếng mắng chửi, giễu nhại, đùa cợt, liệu có mấy ai đủ bình tĩnh, tỉnh táo để vượt qua? Trái tim con người không phải sỏi đá, ai cũng có đầy đủ cảm xúc hỉ nộ ái ố. Gánh nặng trong lòng ngày một nhiều lên nhưng không được chia sẻ với ai, không được ai thấu hiểu, đến một lúc nào đó sẽ như chú lạc đà kia, kiệt sức mà ngã quỵ xuống.
Đáng buồn là, phần đông những người trẻ đều giữ im lặng và gắng gượng chịu đựng sự tra tấn tinh thần một mình, đến khi người thân bên cạnh họ nhận thức được mức độ nghiêm trọng của vấn đề thì trái tim họ đã sớm không còn lành lặn nữa.
Có người thắc mắc, tại sao không biết đường tìm người giúp đỡ, chẳng phải chúng vẫn còn bố mẹ, thầy cô đó sao? Người khác lại nói, có vấn đề tâm lí thì gặp bác sĩ tư vấn là được rồi, chẳng có việc gì phải làm lớn chuyện cả.
Xung quanh mỗi chúng ta luôn có những địa chỉ tin cậy để dựa vào khi gặp khó khăn, nhưng họ không thể giúp ta giải quyết hoàn toàn vấn đề, nhất là vấn đề liên quan đến tinh thần.
Hiện nay ở Việt Nam, hoạt động tuyên truyền, giáo dục phòng chống bạo lực ngôn ngữ và giáo dục kĩ năng giao tiếp, ứng xử trong trường học chưa được tổ chức một cách đồng bộ, chưa đưa vào các chuyên đề giáo dục riêng. Các thầy, cô giáo ngoài thời gian giảng dạy trên lớp thì ít khi tiếp xúc, trao đổi với học sinh nên không thể theo sát hoạt động ngoài giờ của các em. Phòng tư vấn tâm lý học đường ở trường phổ thông đã đi vào hoạt động nhưng chưa phát huy hiệu quả. Trong khi đó, các bậc phụ huynh cũng thường xuyên bận rộn, thời gian gần gũi con cái không nhiều. Khi con mình gặp uất ức ở bên ngoài, một số người còn “đổ dầu vào lửa”, trách mắng ngược lại chúng. Phải hứng chịu sự đối xử thiếu công bằng như vậy, những đứa trẻ vốn đã có tâm trạng hỗn loạn lại thêm một lần nữa bị đả kích và trở nên mất niềm tin vào cuộc sống.
Nhiều bậc phụ huynh vẫn chưa thực sự lắng nghe, tôn trọng con cái
Thêm vào đó, do chưa được trang bị đầy đủ kiến thức, kĩ năng liên quan đến bạo lực ngôn ngữ nên học sinh chưa ý thức được rằng mình cần phải làm gì khi rơi vào hoàn cảnh đó hoặc khi chứng kiến bạn bè bị bạo lực. Ở một góc độ khác, chính những học sinh “không biết nên phản ứng thế nào” đã vô tình dung túng cho hành vi bắt nạt, gián tiếp đẩy bạn mình vào bước đường cùng. Bởi lẽ, thế giới sẽ trở nên tồi tệ hơn, không phải vì sự tàn bạo của những kẻ xấu, mà là vì sự im lặng của những người tốt.
Bi kịch của bạo lực bằng ngôn ngữ
Người ta nói rằng, ngôn ngữ chính là thứ vũ khí đáng sợ nhất trên cuộc đời này. Vết thương ngoài da rồi cũng có ngày lành lại, còn những tổn thương do lời nói gây ra sẽ in hằn mãi mãi.
Tháng 11/ 2019, em N.T.H.T (2003), ở xã Thạch Ngọc, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh đã nhảy cầu tự tử. Trước lúc quyên sinh, em đã để lại một bức thư tuyệt mệnh trong cốp xe đạp điện.
Từng câu từng chữ cô bé viết trong thư đã khiến nhiều người không khỏi thương cảm, xót xa:“Con cũng đã cố gắng từng ngày để hoàn thiện bản thân nhưng cho dù con có làm gì đi nữa thì trong mắt mẹ con luôn là một đứa vô dụng và tệ hại. Đáng ra con không nên xuất hiện trên trái đất này”
Hẳn là cô bé đã phải chịu sức ép vô cùng khủng khiếp mới chọn cách kết thúc cuộc đời mình trong sự lạnh lẽo và tuyệt vọng như vậy.
Với một số trường hợp khác, bạo lực ngôn ngữ đã tạo ra sự bất ổn, rối loạn trong tâm lý trẻ, nhẹ thì có thể bị trầm cảm, nặng thì dẫn tới hành vi phạm pháp.
Quá khứ đau thương của cậu thiếu niên phạm tội
“Khi tôi 12 tuổi, bố mẹ tôi ly hôn. Mẹ mỗi ngày đều mắng tôi, muốn tôi đi chết đi, nói tôi là đồ vô dụng, rác rưởi. Từ trước đến nay chưa từng khen tôi. Rất nhiều lần mẹ mắng tôi là đồ óc lợn. Sau đó tôi đã cầm súng tìm đến một sòng bạc và giết người”
Đây là một câu chuyện có thật do một tội phạm vị thành niên kể lại, được đưa vào trong phim tài liệu tuyên truyền bạo lực ngôn ngữ. Đã có rất nhiều thanh, thiếu niên có những hành vi vi phạm pháp luật xuất phát từ việc bị bạo lực tinh thần trong gia đình, nhà trường. Các em do trải qua tuổi thơ đầy biến động, gây đả kích tâm lý, dần dần sa vào tệ nạn xã hội và làm ra những chuyện trái với đạo đức chỉ để “trả thù đời”
Còn với cô bé N. (10 tuổi) sống tại TP.HCM, mỗi ngày đến trường chẳng khác nào vào địa ngục. Bé N. luôn là đối tượng để các bạn nam trêu chọc, đụng chạm, điều này đã khiến cô bé phải thường xuyên đến bệnh viên điều trị tâm lí và sinh ra sợ các bạn nam, sợ đàn ông. Khi có người lạ tới, cô bé luôn tỏ ra lo lắng, quay mặt vào tường, thậm chí còn khóc lớn nếu như bị người khác chạm vào. Có lẽ, cô bé sẽ phải mất một thời gian rất lâu mới có thể buông bỏ nỗi ám ảnh này để tiếp tục sống một cuộc sống vui vẻ như trước.
Bi kịch sẽ không xảy ra nếu như…
Để hạn chế tình trạng bạo lực học đường nói chung và bạo lực ngôn ngữ nói riêng, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội.
Mỗi gia đình đều là một tế bào của xã hội, truyền thống gia đình, đạo đức gia đình và tấm gương của bố, mẹ ảnh hưởng rất lớn tới nhận thức, suy nghĩ và hành vi của học sinh. Vì vậy, các bậc phụ huynh phải là tấm gương mẫu mực về đạo đức và lối sống cho con cái, đồng thời nên dành nhiều thời gian ở bên con, quan tâm sát sao đến tình hình của con trên lớp. Khi con có gặp phải một số vấn đề liên quan đến xích mích với bạn bè, phụ huynh nên giữ bình tĩnh, lắng nghe suy nghĩ của con trước khi phán xét hay đưa ra bất kì lời khuyên nào. Cha mẹ nên là người bạn đồng hành với con cái, thay vì để con cái dựa dẫm, ỷ lại trong “vỏ bọc” của gia đình mà trở nên yếu đuối, rụt rè trước bạn bè.
Gia đình phải là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho con trẻ
Nhìn lại những vụ bạo lực tinh thần của học sinh gần đây, những học sinh bị bỏ rơi, ít được chú ý ít nhiều tham gia vào bắt nạt bạn bè hoặc bị bạn bè bắt nạt. Vì vậy, ngoài gia đình, học sinh cũng rất cần tới sự giúp đỡ của thầy, cô giáo. Để trường học trở thành ngôi nhà thứ hai của trẻ, giáo viên nên quan tâm và đối xử công bằng với từng học sinh. Khi nhận thấy học sinh của mình có những dấu hiệu bị bạo lực ngôn ngữ thì giáo viên nên để ý, trao đổi với gia đình của học sinh để tìm ra biện pháp giải quyết phù hợp nhất. Đặc biệt, trong quá trình xử lí các vụ bạo lực trong lớp học, giáo viên cần có cái nhìn bao dung, khách quan với học trò để có phương án xử lí thích hợp, cho các học sinh vi phạm nhận ra lỗi lầm và biết sửa sai.
Tuy nhiên, phòng ngừa một căn bệnh sẽ trở nên đơn giản hơn rất nhiều so với việc chỉ tìm cách chữa bệnh. Vậy làm thế nào để các nhà trường có thể ngăn chặn được các hành vi bạo lực ngôn ngữ ngay trong trứng nước?
Xây dựng văn hóa học đường lành mạnh, thân thiện
Trước hết, mỗi nhà trường cần chú trọng xây dựng văn hóa học đường, đưa các khẩu hiệu “Chăm ngoan, đoàn kết, kính thầy, mến bạn”, “Tiên học lễ, hậu học văn” đi vào thực tiễn. Ngoài tổ chức các giờ chào cờ theo chủ đề thông thường, nhà trường có thể triển khai cuộc thi vẽ tranh, viết slogan phòng chống bạo lực học đường và bạo lực gia đình. Các tác phẩm sẽ được dán ở các lớp học và hành lang để nhắc nhở học sinh gìn giữ, phát triển văn hóa lành mạnh, thân thiện.
Các bạn học sinh tích cực làm việc trong giờ dự án nhóm
Ở các lớp học sắp xếp một tuần một buổi làm việc với phòng tư vấn tâm lý học đường. Trong thời gian đó các học sinh chia sẻ những khó khăn trong quan hệ với bạn bè, gia đình, từ đó chuyên viên tư vấn giải đáp thắc mắc và sẵn sàng giúp đỡ nếu cần thiết. Đặc biệt, phía nhà trường có thể linh động hỗ trợ các lớp học tổ chức cho học sinh học tập theo dự án, tích hợp liên môn. Thông qua các buổi học đó, học sinh không chỉ học kiến thức mà còn phát triển các kĩ năng khác như giao tiếp, hợp tác làm việc nhóm, từ đó mở rộng mối quan hệ với các thành viên khác trong lớp. Thông qua những bài học giáo dục, học sinh sẽ tự hoàn thiện bản thân, biết phân biệt đúng sai và tôn trọng những người xung quanh mình.
Khi những câu chuyện tốt đẹp về tình bạn, về tình cảm gia đình được xã hội lan truyền, biểu dương thì sẽ tạo nên hiệu ứng tích cực giúp phần nào làm giảm thiểu nguy cơ dẫn đến bạo lực ngôn ngữ ở mỗi tập thể. Ngoài ra, các tổ chức xã hội, tổ chức phi chính phủ có thể góp sức bằng việc tham gia hỗ trợ cho các hoạt động giáo dục ở nhà trường và địa phương.
Người cứu giúp một linh hồn, cứu giúp cả vũ trụ. Nếu mỗi người chúng ta đều chung tay góp một phần sức lực lên án, phòng chống bạo lực trong nhà trường và gia đình thì sẽ cứu sống được rất nhiều bạn trẻ lạc lối, thắp sáng niềm tin vào cuộc sống cho họ.